Đàn hương có lẽ vẫn là một loại gỗ chưa mấy quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng lại có lịch sử hàng nghìn năm trong nhiều nền văn hóa Á Đông; đặc biệt trong lĩnh vực trị liệu hương thơm, nước hoa, chữa bệnh và tâm linh. Nó được biết đến với nhiều danh xưng “gỗ Vua”, “gỗ thiêng”, “cây sự sống” và “vàng xanh”. Vậy thì rốt cục đàn hương là gỗ gì và hiểu sâu sắc về đàn hương giúp mang đến bạn sự sáng suốt khi mua sắm sản phẩm về đàn hương như thế nào? Hãy cùng Tĩnh khám phá qua bài viết ngày hôm nay nhé!

1. Đàn hương là cây gỗ gì? Sự nhầm lẫn thường thấy về chủng loại đàn hương.

Trước hết, hãy bắt đầu từ cái tên. Nếu tra cứu thông tin về đàn hương, có lẽ bạn sẽ tìm thấy các bài viết chia đàn hương thành 2 loại gồm: đàn hương trắng và đàn hương đỏ. Tuy nhiên thực chất, đàn hương trắng và đàn hương đỏ KHÔNG cùng một chủng loại cây.

Đàn hương trắng – trong tiếng Anh thường gọi là Sandalwood, là từ dùng để chỉ một nhóm các loại cây gỗ thuộc chi Santalum, sở hữu tâm gỗ thơm đặc trưng. Còn đàn hương đỏ – Red Sanders/Red Sandalwood là một loài cây thuộc chi Pterocarpus, có tên khoa học là Pterocarpus Santalinus và hoàn toàn không có hương thơm. Nói chung, bạn có thể hiểu đơn giản ngoại trừ cùng là thực vật ra thì hai cây này chẳng có mối liên hệ gì đến nhau về mặt sinh học.

Thế nên nếu có tình cờ đọc thấy một bài báo chỉ có riêng chữ “Sandalwood”, bạn có thể chắc chắn rằng bài viết đó đang nói về đàn hương trắng, loại có hương thơm. Đây cũng chính là loại đàn hương mệnh danh “Vàng Xanh” trên thế giới, có giá trị kinh tế lên đến hàng nghìn USD cho mỗi kilogram tinh dầu gỗ.

Bài viết này của Tĩnh sẽ chỉ tập trung cung cấp đến bạn kiến thức tổng quát về các loại đàn hương trắng, bao gồm: chủng loại, nguồn gốc, chất lượng, giá trị kinh tế cũng như công dụng của mỗi loại đàn hương.

2. Đặc điểm của gỗ đàn hương trắng

Đàn hương trắng là các loại cây gỗ thuộc họ Santalaceae và chi Santalum, phân bố ở vùng nhiệt đới Đông Nam phía Nam bán cầu trong khoảng từ 30°B đến 40°N. Chúng là loài cây bán ký sinh, có nghĩa đàn hương cần lấy chất dinh dưỡng từ một hoặc nhiều cây chủ khác để trưởng thành. Tuy nhiên, vì có thể sống dựa vào nhiều loài cây khác nhau mà không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến chúng nên đàn hương có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau.

Điểm đặc biệt của đàn hương trắng là mùi hương tinh túy độc nhất vô nhị tập trung duy nhất ở phần tâm gỗ (heartwood). Hương thơm này đến từ hợp chất Alpha-Beta Santalol chứa trong tinh dầu. Hàm lượng Santalol càng cao, hương thơm càng nồng nàn ngây ngất. Được biết, hương thơm gỗ đàn hương có thể lưu giữ đến nhiều thập kỷ. Mặt khác, vỏ cây và dác gỗ (sapwood) – phần bao bọc bên ngoài tâm gỗ không hề có hương thơm và cũng không có giá trị thương mại nào.

Mỗi cây đàn hương cần khoảng 7-10 năm mới bắt đầu hình thành tâm gỗ và thường được thu hoạch khi được 25 – 30 năm tuổi; bởi vì đây là thời điểm tâm cây đạt đủ giá trị thương phẩm. Thời gian trưởng thành càng lâu, trọng lượng tâm gỗ hình thành càng lớn và lượng dầu tích lũy cũng dồi dào hơn, dẫn đến giá trị kinh tế của nó cao hơn.

Không chỉ vậy, cây đàn hương chỉ có một đời duy nhất bởi vì toàn bộ gốc rễ của nó sẽ bị bật lên mỗi khi thu hoạch. Chính vì thế, doanh nghiệp phải chờ hàng chục năm, thậm chí 50-60 năm mới có thể thu hoạch một cây đàn hương trắng Ấn Độ (Santalum Album) thuộc hàng thượng phẩm.

Cây đàn hương trưởng thành hơn 50 năm tuổi ở Shivamogga, bang Karnataka. Nguồn ảnh: Researchgate

3. Có bao nhiêu loại gỗ đàn hương trắng?

Có khoảng 19 loại đàn hương được báo cáo thuộc chi Santalum, tuy nhiên bạn không cần phải quan tâm đến tất cả vì chỉ một vài loại trong số chúng có hương thơm và có giá trị thương mại. Trong số đó, gỗ đàn hương Ấn Độ (hoặc gỗ đàn hương Đông Ấn) là loại đàn hương có chất lượng tốt nhất, hàm lượng Santalol cao nhất, hương thơm tinh túy nhất và đương nhiên, đắt đỏ nhất.

Sau đây là bảng tổng hợp 10 loại đàn hương có giá trị thương mại trên thị trường quốc tế. Trong đó:

  • Từ 1-5 là nhóm các loại đàn hương đang được giao dịch chủ yếu trên thị trường hiện nay.
  • Từ 6-10 là nhóm các loại đàn hương đã từng có vị thế quan trọng tại một số thời điểm nhất định trong quá khứ, tuy nhiên hiện tại không giao thương phổ biến.
SttLoại đàn hươngNơi phân bổTình trạng giao dịch trên thị trườngỨng dụng
1
Santalum album (gỗ đàn hương Ấn Độ)
– Ấn Độ, Indonesia (tự nhiên)

– Miền Bắc nước Úc (được du nhập hạt giống từ Ấn Độ, nơi có đồn điền cây đàn hương Ấn Độ lớn nhất thế giới)

– Sri Lanka, Timor-Leste (được du nhập)
– Loại đàn hương được đánh giá cao nhất trong thương mại quốc tế, được giao dịch dưới dạng tâm gỗ và tinh dầu. (Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO – 3518:2002)

– Tỷ lệ Santalol khoảng 70% – 90%.
– Loại đàn hương duy nhất được nhắc trong Dược điển Ayurveda và Y học cổ truyền Trung Quốc như một loại thuốc chữa bệnh viêm da, sốt, long đờm, nhiễm trùng đường tiết niệu.

– Hỗ trợ thiền định và thờ cúng.

– Chạm khắc thủ công mỹ nghệ và nội thất xa xỉ.

– Là thành phần cho các loại nước hoa cao cấp.

– Dùng trong liệu pháp trị liệu bằng mùi hương.

– Là thành phần trong kem dưỡng da, sữa tắm, dầu gội, kem cạo râu… nhờ đặc tính chống oxy hóa vượt trội gấp 30-40% vitamin E.

– Dùng làm gia vị cho các thực phẩm như sữa đông lạnh, masala, đồ nướng…
2Santalum spicatum (gỗ đàn hương Úc)Tây Nam nước ÚcMột trong những loại đàn hương được giao dịch nhiều nhất nhờ nguồn cung ổn định và bền vững. Tỷ lệ Santalol khoảng 20% – 40%.Cơ bản ứng dụng tương tự như gỗ đàn hương Ấn Độ, nhưng được sử dụng ở mức độ khác nhau với từng ứng dụng.


Ngoài ra gỗ đàn hương Úc không đạt chuẩn dược liệu chữa bệnh trong hệ thống y học cổ truyền Trung Quốc và Ayurveda Ấn Độ.
3Santalum austrocaledonicumNew Caledonia và Vanuatu
Chất lượng đàn hương thay đổi tùy theo một số quần thể, chẳng hạn như Santo và Malekula ở Vanuatu và một số vùng New Caledonian có loại gỗ với chất lượng dầu tốt tương tự như gỗ đàn hương Đông Ấn.

Thường được chiết xuất thành dầu để sử dụng trong nước hoa, xà phòng và các sản phẩm chăm sóc cơ thể cho cộng đồng người nước ngoài đến địa phương du lịch hoặc xuất khẩu.
4Santalum yasiFiji, Niue và Tonga
Loại này thường có tâm gỗ tốt với chất lượng tinh dầu cao. Hàm lượng α santalols (34-40%) và β santalols (29-31%).

Ứng dụng cơ bản giống của gỗ S.austrocaledonicum.
5Santalum paniculatumHawaiiChất lượng dầu tổng thể của loài này đạt yêu cầu, với tỷ lệ α santalols (lên tới 40%) và β santalols (lên tới 16%).Là thành phần trong mỹ phẩm, nước hoa, nhang, hương liệu và chạm khắc thủ công mỹ nghệ.
6Santalum macgregoriiPapua New GuineaChất lượng tinh dầu kémTạm thời chưa có ghi nhận quan trọng nào về nhu cầu sử dụng loại gỗ này trong hiện tại và tương lai.
7Santalum insulareFrench Polynesia và quần đảo CookChất lượng dầu nói chung là đạt tiêu chuẩn.Dùng trong mỹ phẩm chăm sóc da và tóc, nước hoa, điêu khắc mỹ nghệ.
8Santalum lanceolatumMiền Bắc nước Úc
Tâm gỗ của loài này thường tạo ra tinh dầu chất lượng kém, ngoại trừ một số cây trên Bán đảo Cape York, có thể có thành phần dầu gần với gỗ đàn hương Đông Ấn.
Bột gỗ và dầu có thể được sử dụng trong dược phẩm, nước hoa.
9Santalum leptocladumCho đến gần đây vẫn được coi là một quần thể phụ ở phía nam (vĩ độ trên 20°N) của loài S. lanceolatum.
10Osyris lanceolataMiền Nam, miền Đông, miền Bắc châu Phi; miền Nam châu Âu và châu Á; Trung Quốc, Ấn Độ, Socotra, Yemen
Tâm gỗ kém chất lượng, hàm lượng santalol thấp (<10%)

Bột gỗ và dầu có thể được sử dụng trong dược phẩm, nước hoa.

Ngày nay, ngoài những nơi phân bổ trên, đàn hương Ấn Độ đã được du nhập và ngày càng gia tăng diện tích trồng ở một số nước Châu Á như Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Ví dụ ở Việt Nam đã có gần 3000 HA cây đàn hương được trồng tại 45 tỉnh thành, bắt đầu khoảng từ năm 2014 bởi TS.Vũ Văn Thoại (Chủ tịch Viện nghiên cứu đàn hương và thực vật quý hiếm). Ở Sri Lanka khoảng 200 HA đã được trồng vào năm 2012 bởi Sadaharitha Plantations Ltd với tỷ lệ diện tích trồng tăng thêm 75-100 HA mỗi năm. Thái Lan trồng khoảng 250 HA vào năm 2018. Và với tuổi thọ trung bình để thu hoạch cây là 25 – 30 năm, dự đoán đàn hương Ấn Độ ở những vùng này sẽ được thu hoạch và giao dịch vào khoảng năm 2040.

TS.Vũ Văn Thoại và cây đàn hương non. Nguồn ảnh: Infonet

Lời kết:

Bạn vừa tìm hiểu tổng quan về 10 loại đàn hương trắng có giá trị kinh tế trên thị trường. Tuy nhiên bạn cũng không cần phải ghi nhớ hết cả 10 loại vì một nửa trong số chúng cũng rất ít phổ biến. Bạn chỉ cần nhớ 2 loại đàn hương nổi tiếng và thịnh hành nhất là đàn hương Ấn Độ (S.Album) và đàn hương Úc (S.Spicatum).

Bây giờ mỗi khi mua một sản phẩm về đàn hương, như tinh dầu hay đồ thủ công gỗ, bạn đã có thể biết được chất lượng cũng như độ quý hiếm của nó dựa trên chủng loại, nguồn gốc và số năm tuổi của cây. Nếu bạn cần thêm kiến thức về đàn hương như mức giá sản phẩm gỗ đàn hương, đặc tính, công dụng và lợi ích cụ thể mỗi loại… để có thêm cơ sở quyết định thì hãy đón đọc những bài viết tiếp theo trên blog nhà Tĩnh nhé. Hoặc bạn có thể nhắn tin cho Tĩnh để mình nhận được tư vấn ngay tức thì nha!

Nguồn tham khảo:

Bài viết được thực hiện dưới sự tham khảo từ bài nghiên cứu của nhà xuất bản Taylor & Francis – một công ty quốc tế từ Anh Quốc chuyên xuất bản sách và tập san học thuật; cùng các nguồn tham khảo uy tín như NCBI, Researchgate, Plant for a Future, Quintis và VNeconomy.

Cái nhìn tổng quan thị trường sản xuất gỗ đàn hương toàn cầu vào năm 2040 và tác động của nó đến các nhà sản xuất gỗ khu vực Thái Bình Dương.